Quyết định gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển sẽ thay đổi đáng kể môi trường an ninh châu Âu, vốn nhiều biến động vì xung đột Nga - Ukraine, theo giới chuyên gia.
Hệ tư tưởng, quyền lực ngầm hay những vấn đề từ lâu đời?
Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết NATO không thể chấp nhận Liên Xô gia nhập liên minh vào những năm 1950 “vì tâm lý Chiến tranh Lạnh” phổ biến ở phương Tây vào thời điểm đó.
Sau khi Liên Xô tan rã, có một động lực khác để Nga trở thành thành viên. Yeltsin đã muốn làm điều đó từ rất sớm. Ông Putin ban đầu cũng có mối quan tâm tương tự. Nhưng mỗi lần NATO đều viện lý do là hệ tư tưởng không tương thích để từ chối Moscow, từ những lo ngại về sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, đến việc hệ thống chính trị của nước Nga hậu Xô viết không tương thích với hệ thống chính trị của phương Tây.
“Mọi người đều có cách hiểu riêng về ‘dân chủ’. Họ điều hành NATO, đặt ra các quy tắc riêng của mình và Nga đã không đáp ứng các quy tắc đó. Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua quá trình đó khá lâu để gia nhập NATO và họ vẫn đang trải qua điều đó cho đến ngày nay trong nỗ lực gia nhập EU”, ông Maloof nói.
Theo ông, nghiêm trọng hơn là yếu tố “quyền lực ngầm” thường trực ở Washington, cụ thể là “phong trào tân bảo thủ chống lại Nga, trước đây là Liên Xô”, thể hiện ở những người như cựu thứ trưởng ngoại giao Victoria Nuland. Tham vọng của những người này đã và đang tiếp tục là “kiềm chế, nếu không muốn nói là băm nát nước Nga”.
Ông Maloof cho rằng, không có “công tắc bật-tắt” đối với kiểu thù địch này.
“Thật khó để mọi người chuyển sang tư duy khác, đặc biệt là trong cộng đồng tình báo”, ông nói.
“Chúng tôi đã có 50 năm hoạt động ở Liên Xô. Có rất nhiều quan chức trong cộng đồng tình báo coi việc chống đối Nga là ‘điểm ngọt ngào’ của họ, để họ cảm thấy thoải mái trong công việc. Sự thay đổi sau năm 1991 hoàn toàn xa lạ với họ. Ngay cả ông Putin lúc đầu cũng muốn gia nhập NATO nhưng ông bắt đầu nhận thấy phản ứng ngày càng thù địch từ phương Tây. Vì vậy, ông ấy bắt đầu hướng tới một phong trào Á-Âu nhiều hơn, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy ở Ukraine năm 2014”, ông Maloof nói.
Ông Maloof tin rằng một phần của sự thù địch thậm chí còn bắt nguồn từ “những mối thâm thù”.
“Lấy ví dụ như Victoria Nuland. Trước khi rời bỏ công việc ở Bộ Ngoại giao, bà đã dẫn đầu toàn bộ ‘nỗ lực của Ukraine’. Tại sao ư? Hóa ra gia đình bà đến từ miền Tây Ukraine. Bà ấy chỉ muốn lấy lại tài sản của mình, lấy lại đất của mình. Lý do Ba Lan rất quan tâm đến Ukraine cũng tương tự”, ông Maloof nói, đồng thời chỉ ra rằng từ thế kỷ 14, Warsaw đã chinh phục phần lớn các vùng đất là Ukraine ngày nay. Những vấn đề như vậy giống như một căn bệnh ung thư chưa phát tác, mà khi phát tác nó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Theo ông Maloof, một lý do khác khiến Nga không bao giờ có thể gia nhập liên minh xoay quanh việc Moscow luôn coi mình là một cường quốc, một quốc gia xứng đáng được coi là “đối tác bình đẳng”.
“Chúng tôi nhận thấy điều này, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán dẫn đến yêu cầu của ông Putin vào tháng 12/2021 khi ông ấy nói ‘cần phải ngăn chặn sự mở rộng của NATO, bao gồm cả ở Ukraine’ và rằng ‘đây là ranh giới đỏ’ đối với họ. Phản ứng từ phương Tây là ‘Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn’. Họ không coi trọng lời nói của ông Putin và người Nga cảm thấy rằng Mỹ đang coi thường Nga”, ông Maloof nói.
Ông Maloof nhấn mạnh, sẽ thật “tuyệt vời” khi thấy “sự hợp tác tổng thể” giữa phương Tây và Nga, không chỉ vì lý do an ninh mà còn vì lý do kinh tế, đặc biệt là đối với châu Âu.
Tốt hơn hết là NATO nên theo gương Hiệp ước Warsaw và tan biến vào quên lãng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. “Hiệp ước Warsaw đã biến mất. NATO đáng lẽ cũng nên tan biến”.
Thực tế là có những người trong cơ quan an ninh phương Tây coi liên minh này công cụ để thúc đẩy chương trình nghị sự của phương Tây không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, Bắc Cực và thậm chí cả ngoài không gian.
Dù vào năm 1954, đầu những năm 1990 hay đầu những năm 2000, Moscow chưa bao giờ có cơ hội gia nhập liên minh phương Tây. Nếu Liên Xô và/hoặc Nga gia nhập, điều đó có thể mang lại cơ hội tạo ra “một hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu”, như Ngoại trưởng Molotov đã nhận định vào năm 1954.
Mặt khác, với sự can dự của liên minh trên toàn cầu, từ Balkan và Trung Đông đến Tây Á và Bắc Phi, có vẻ như điều tốt nhất là Nga không bao giờ nên trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.
Ngày 6/10/2011, tại Diễn đàn đầu tư "Nước Nga vẫy gọi" tổ chức tại thủ đô Moscow, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: "Nga sẽ không tham gia NATO và EU". Đây là lời tuyên bố gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao Nga lại không tham gia NATO và EU?
Xung đột với lợi ích toàn cầu của Nga
Cũng tại Diễn đàn trên, Thủ tướng Nga Putin nhấn mạnh, nước Nga sẽ phải thay đổi, nhưng mọi sự thay đổi phải nhằm để tiến lên. Thủ tướng Putin khẳng định rằng, mọi sự thay đổi phải được áp dụng một cách cẩn thận để tránh những sai lầm mà Nga từng đối mặt trong những năm 90 của thế kỷ XX. Ông cho rằng, "Không nghi ngờ gì nữa, thay đổi là điều cần thiết và chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng theo con đường tiến lên. Chúng ta không cần sự bất ổn lớn mà chúng ta cần một nước Nga vĩ đại".
Nước Nga đã từng là cường quốc trong thời kỳ Liên bang Xô Viết, là một trong hai cực của thế giới thời kỳ chiến tranh lạnh. Ngày nay, tuy Nga vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để khôi phục lại vị thế của mình. Tuy nhiên, Nga vẫn là một cường quốc quân sự mà các nước phương Tây không thể coi thường.
Trong trường hợp Nga gia nhập NATO, mơ ước khôi phục vị trí siêu cường đã từng có trước đây coi như kết thúc. Khi gia nhập NATO, Nga chỉ còn là “một nước châu Âu lớn” ngang hàng với Anh, Đức, Pháp. Điều này thật không tương xứng với những gì mà nước Nga thời Liên Xô đã có và cũng không phải là điều mà các thế hệ người Nga mong muốn, “Chúng ta cần một nước Nga vĩ đại”, đó là lời khẳng định của thủ tướng Putin.
Thực tế, phải thừa nhận rằng, hiện nay Nga là nước chưa thể so sánh với Mỹ. Mỹ có tổ chức quân sự mạnh và có ảnh hưởng nhất thế giới. Khi gia nhập NATO, Nga sẽ phải phụ thuộc vào Mỹ. Đây đã là điều không thể chấp nhận được đối với người Nga, vì thế ông Putin khẳng định rằng, Nga có đủ khả năng tự đảm bảo an ninh quốc gia cho mình.
Mâu thuẫn hệ tư tưởng trong lĩnh vực quốc phòng
Có nhiều lý do ẩn giấu mà người Nga không tiện nói ra, trong đó quan trọng nhất là việc NATO đòi hỏi các thành viên phải minh bạch trong hoạt động quân sự - quốc phòng. Đây là điều Nga khó chấp nhận nhất, vì nếu theo nguyên tắc minh bạch này, Nga có thể phải chia sẻ những bí mật quân sự của mình với NATO, nhất là về tiềm lực hạt nhân.
Nhiều nội dung trong chiến lược mới của NATO cho thấy, một trong 7 mối đe dọa đối với NATO là đối tượng an ninh mạng, là chiến lược cạnh tranh dầu mỏ, khí đốt… ám chỉ vào Nga.
Ngay từ tháng 3/2010, đặc phái viên của Nga tại NATO Dmitry Rogozin đã nhận thấy, giới lãnh đạo cấp cao của NATO đang soạn thảo chiến lược quân sự và các kế hoạch đối phó với Nga. Kế hoạch này của NATO được soạn thảo sau khi Nga công bố chiến lược quân sự mới một tháng trước đó.
Mặt khác, tuy các nước thành viên NATO vẫn tồn tại các hệ thống chính trị khác nhau như chế độ Cộng hoà Tổng thống, Cộng hoà Nghị viện… Nhưng tất cả các nước đều phải “minh bạch” về ngân sách quốc phòng - quân sự, còn chính quyền lập pháp có chức năng kiểm soát và giám sát. Vấn đề này bao gồm cả việc tiến hành điều tra độc lập các yếu tố lạm dụng và thất bại trong lĩnh vực quân sự, kiểm soát ở cấp Nghị viện việc chi tiêu cho các chương trình chế tạo vũ khí, cũng như hệ thống cân bằng hiến pháp và đối trọng. Với sự hỗ trợ của hệ thống này, các vấn đề như có gửi quân tham chiến tại các nước khác hay không cũng sẽ được giải quyết.
Điều khoản nêu trên của NATO là không tương thích với luật pháp về quốc phòng ở Nga, trong lĩnh vực quân sự hiện nay, Nga vẫn chưa có việc kiểm soát dân sự. Mặt khác, Nga không thể đồng ý với việc NATO tiết lộ những bí mật quân sự của Nga, ngay cả khi những bí mật mà phương Tây đã biết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tiềm lực hạt nhân của Nga.
Nếu với tư cách thành viên của NATO, Nga sẽ không còn là thành viên của CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gồm một số nước thuộc Liên Xô cũ mà Nga là một thành viên). Nga đã từng đóng vai trò tích cực trong CSTO kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 2002 để cạnh tranh ảnh hưởng với NATO trong lĩnh vực an ninh toàn cầu. Vì thế, ông Nikolai Bordyuzha - người đứng đầu CSTO cho rằng, việc Nga gia nhập NATO là vô nghĩa.
Còn về Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của các nước khu vực này là giải quyết vấn đề nợ công, trước khi tính đến kế hoạch kết nạp thêm các thành viên mới.
Ông Putin cho rằng, mặc dù đời sống của người dân châu Âu rất cao so với trung bình của người dân thế giới. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại với sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công, châu Âu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng mới và như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của người dân tại đây, còn "mức sống của người dân Nga đã tăng lên gấp đôi" so với năm 1990, việc kéo gần khoảng cách chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cũng tại Diễn đàn, trả lời câu hỏi của một phóng viên Đức, Thủ tướng Putin khuyên rằng: các quốc gia EU cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trước khi đưa ra lời đề nghị đối với Nga. Và rằng: "Các anh muốn chúng tôi gia nhập EU? Trước hết hãy giải quyết món nợ của các anh đi đã".
Tuy nhiên, trong vấn đề quan hệ Nga với NATO và EU, Thủ tướng Nga Putin cũng khẳng định rằng, Nga sẽ tiếp tục phối hợp với NATO và EU trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm./.