Quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Lào Cai ngày 5/1/2024, Toà án ghi rõ đề nghị: “Điều tra, xác minh số tiền thu lợi bất chính của Cty cổ phần Hoá chất Đức Giang Lào Cai và Cty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam phát sinh từ Hợp đồng mua bán quặng apatit trái phép với Cty TNHH Lilama”. Cáo trạng cho biết hai công ty trên đã mua (chỉ từ ngày 24/7/2014-10/8/2014) hơn 43.000 tấn quặng apatit của Cty Lilama (do khai thác trái phép mà có). Sau đó một tháng, từ ngày 8/9/2014-26/9/2014, hai công ty trên tiếp tục mua tổng số hơn 90.000 tấn quặng hàm lượng cao của Cty Lilama. Dĩ nhiên vẫn là quặng khai thác trái phép.
Hợp thức hóa dòng tiền bất chính
Năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2 (xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.
Cơ quan tố tụng xác định, khu vực này thuộc khai trường số 18 đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit. Việc khai thác quặng nếu diễn ra thì phải có giấy phép khai thác, thẩm quyền cấp phép thuộc Chính phủ.
Xem nhanh 20h ngày 18.10: Cựu Bí thư Lào Cai nhận 'quà tết' tiền tỉ | Shark Thủy gửi thư xin lỗi phụ huynh
Dù biết rõ quy định trên, các lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đứng đầu là cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh, đã ban hành hàng loạt văn bản trái pháp luật, tạo điều kiện để Công ty Lilama ngang nhiên khai thác quặng dưới "vỏ bọc" dự án nhà hàng, khách sạn.
Chỉ trong 2 năm, số quặng apatit Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Qua đó, 2 công ty lần lượt thu lợi hơn 171 tỉ đồng và hơn 184 tỉ đồng.
Đáng chú ý, để hợp thức hóa nguồn tiền thu được từ việc khai thác quặng apatit trái phép, bị can Nguyễn Mạnh Thừa mượn tài khoản của 12 cá nhân là những người được Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá.
Mục đích để Công ty Lilama chuyển nhờ số tiền thu được từ việc bán quặng apatit, khi thanh toán thì trả lại cho bị can Thừa.
Tiếp đó, bị can Thừa chỉ đạo các kế toán của Công ty Lilama lập các hợp đồng, biên bản nghiệm thu nhằm nâng khống giá cước vận chuyển quặng, đất đá và nâng khống khối lượng đất đá; rồi đến chi cục thuế mua hóa đơn bán lẻ theo các hợp đồng kinh tế và biên bản nghiệm thu khống.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2013 - 2015, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã chỉ đạo thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Lilama vào tài khoản của 12 cá nhân nhiều lần, với tổng số tiền hơn 182 tỉ đồng. Trong đó, 5,6 tỉ đồng là cước vận chuyển quặng, đất đá thực tế; còn lại hơn 177 tỉ đồng là tiền nâng khống.
Lực lượng công an thực hiện khám xét đối với bị can trong vụ án
Chi tiền tỉ biếu quan chức, mua nhà đất, gửi ngân hàng
Vẫn theo cáo trạng, sau khi 12 cá nhân nhận được tiền vào tài khoản đã cùng kế toán của Công ty Lilama rút tiền mặt, đưa cho ông Nguyễn Mạnh Thừa hoặc nộp vào tài khoản cá nhân của bị can này.
Với số tiền hơn 177 tỉ đồng có được từ hành vi "rửa tiền", Giám đốc Công ty Lilama khai nhận đã dùng 2,1 tỉ đồng mua một lô đất tại P.Bắc Cường (TP.Lào Cai) rồi cho con trai đứng tên chủ sở hữu.
Bị can dùng hơn 33 tỉ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty CP Đồng Tả Phời mua cổ phần tại đây. Sau đó, số cổ phần đã chuyển cho một công ty khác do con trai bị can làm giám đốc.
Ông Thừa còn rút 5 tỉ đồng mở tài khoản tiết kiệm, gửi số tiền này vào ngân hàng mang tên con gái mình; sử dụng 6,5 tỉ đồng mua đất của các hộ dân nhằm khai thác khoáng sản trái phép.
Đặc biệt, Giám đốc Công ty Lilama sử dụng 5 tỉ đồng để biếu ông Nguyễn Văn Vịnh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, vào dịp tết Nguyên đán năm 2015.
Bị can Thừa cũng khai đưa tiền cho một số cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Công ty Apatit Việt Nam và một số người khác, nhưng quá trình điều tra không làm rõ được.
Đến nay, các bị can trong vụ án đã khắc phục tổng số tiền hơn 229 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Apatit Việt Nam tự nguyện nộp lại hơn 184 tỉ đồng thu lợi bất chính; bị can Nguyễn Mạnh Thừa và gia đình khắc phục hơn 3 tỉ đồng tiền mặt, hơn 4 triệu cổ phần của Công ty CP Đồng Tả Phời…
Trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung chứng cứ
Sau hơn 2 năm tiến hành điều tra và truy tố, vụ án Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama (gọi tắt Cty Lilama - không liên quan gì đến Tổng Cty lắp máy Việt Nam LILAMA) khai thác quặng trái phép tại Lào Cai (khởi tố tháng 8/2021) đã được VKSND tỉnh này ban hành Cáo trạng tháng 10/2023 và chuyển hồ sơ sang Toà án.
Nhưng 3 tháng sau, TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định chuyển trả hồ sơ về VKSND tỉnh Lào Cai đề nghị điều tra bổ sung chứng cứ. Tòa án xét thấy "Hồ sơ vụ án thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật TTHS mà không thể bổ sung tại phiên tòa, và có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác liên quan vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can" - theo Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND tỉnh Lào Cai ngày 5/1/2024.
Theo Cáo trạng truy tố (số 58/CT-VKST-P2), bị can Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, lúc còn đương chức Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh này, phải chịu trách nhiệm chính khi tạo điều kiện cho Cty Lilama và Cty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit trị giá hơn 610 tỷ đồng giai đoạn 2012-2015. Từ đây Cty Lilama thu lời trên 171 tỷ đồng, và Cty Apatit thu lời 184,5 tỷ đồng - đều là những khoản lợi bất chính. Một loạt bị can khác là cán bộ, nguyên cán bộ tỉnh Lào Cai, trong đó có cựu Chủ tịch tỉnh Doãn Văn Hưởng, đã bị khởi tố. Đây là những người thực hành, xâm hại tài nguyên quốc gia, xâm hại uy tín của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những bị can trên, dù biết rõ khu vực 3,77 ha tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit và thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn làm trái quy định, chỉ đạo và ký cấp giấy tờ không đúng thẩm quyền tạo điều kiện cho Cty Lilama và Cty Apatit “thu hồi, vận chuyển khoáng sản để quản lý, sử dụng” (kể cả quặng nghèo) trong khi san gạt mặt bằng cho dự án nhà hàng, khách sạn tại đây. Điều tra cho thấy, Cty Lilama còn mở rộng khu vực tận thu quặng rộng ra 5,99ha.
Hồ sơ vụ án thể hiện, bị can Nguyễn Mạnh Thừa - Tổng giám đốc Cty Lilama, sau khi đã khai thác và tiêu thụ trái phép số quặng ở khu vực 3,77 ha, dịp tết Nguyên đán 2015 đã đến nhà riêng của Nguyễn Văn Vịnh (khi đó ông Vịnh mới lên chức Bí thư Tỉnh uỷ) biếu tiền mặt 5 tỷ đồng. Bị can Vịnh đã thừa nhận điều này tại CQĐT và khai rằng đã chi tiêu hết số tiền.
Tuy nhiên, bản Cáo trạng không đề cập xử lý hình sự hành vi này, và cũng không cho thấy bị can Nguyễn Văn Vịnh có nộp lại CQĐT số tiền này như một hành vi “khắc phục hậu quả” hay không. Theo Cáo trạng, tổng số tiền khắc phục hậu quả mà các bị can nộp lại CQĐT là 229 tỷ đồng, nhưng trong đó không có tên bị can Nguyễn Văn Vịnh.
Theo luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn LS TP Hà Nội), việc cơ quan tố tụng không đề cập xử lý hình sự hành vi trên là có dấu hiệu "bỏ lọt hành vi phạm tội" (chưa thể gọi là "bỏ lọt tội phạm") bởi lẽ đây là số tiền đặc biệt lớn, rất khó cho rằng chỉ vì tình cảm quý mến mà ông Thừa biếu ông Vịnh lượng tiền này. Nhưng cần xem xét rõ những tương tác, quan hệ, trao đổi giữa hai đối tượng liên quan hành vi khai thác quặng trái phép, đánh giá cẩn trọng mục đích việc biếu tiền này. Tuy nhiên, chỉ cần xét đến những điều cấm làm đối với đảng viên thì ông Vịnh đã phải bị xử lý nghiêm khắc.
Bản cáo trạng, theo TAND tỉnh Lào Cai, chưa làm rõ hành vi “Rửa tiền” của bị can Nguyễn Mạnh Thừa (đã hoàn tất rửa 177 tỷ đồng) thuộc quy định nào của Điều 251 BLHS sửa đổi 2009. Việc rửa tiền này liên quan nhiều người, nhiều công đoạn, trong đó có ngành thuế, nhưng không nhân viên nào, doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự.